Dị ứng hải sản

Gia đình tôi sắp đưa 2 con nhỏ đi nghỉ mát ở biển. Nhưng tôi nghe nói trẻ nhỏ dễ dị ứng hải sản hơn người lớn. Xin hỏi bác sĩ nếu bị dị ứng khi ăn hải sản thì biểu hiện thế nào? Xử trí ra sao?

Phạm Thị Quỳnh Nga (quynhnga@gmail.com)

Dị ứng khi ăn hải sản là một tình trạng khá thường gặp, tuy nhiên không phải người nào cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của nó, dẫn đến tâm lý chủ quan. Người bệnh khi bị dị ứng hải sản sẽ có biểu hiện khó chịu trong người như nổi mề đay, ngứa ngáy toàn thân, sưng mắt, sổ mũi, hắt xì liên tục... đó là những trường hợp nhẹ. Những trường hợp bị phản ứng nặng hơn sẽ làm cho người bệnh bị viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen gây khó thở. Một số trường hợp lại bị đi ngoài, nôn mửa, mệt mỏi, bơ phờ, thậm chí đi ngoài ra máu... Tình trạng dị ứng hải sản còn có thể nguy hiểm hơn nếu xảy ra ở trẻ em. Do vậy, với trẻ nhỏ, các bà mẹ nên cẩn thận tập cho con ăn từng chút một để thử phản ứng của cơ thể con trước. Nếu thấy trẻ bình thường thì mới tiếp tục cho ăn tăng lượng dần lên để cơ thể con có thời gian thích nghi.

Dị ứng hải sản - Xử trí thế nào?

Cách xử trí khi bị ngộ độc hải sản: Khi thấy biểu hiện dị ứng hải sản, bạn có thể pha một chút mật ong với nước ấm để uống. Trong mật ong có một số vitamin làm giảm ngứa ngáy do dị ứng hải sản gây ra. Hoặc khi bị dị ứng tôm, bạn chỉ cần pha một cốc nước chanh ấm để uống là tình trạng dị ứng sẽ giảm dần. Nếu thấy trên da có biểu hiện nổi ban đỏ hoặc đầy bụng, đau bụng do dị ứng hải sản, bạn chỉ cần đập dập 1 nhánh gừng nhỏ để pha với nước nóng, chờ nước nguội bớt và uống là bạn sẽ thấy dễ chịu hơn. Lời khuyên, nếu bạn phát hiện bản thân hoặc người thân bị dị ứng hải sản, việc đầu tiên nên làm là kích thích gây nôn để đẩy phần thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể. Những trường hợp nặng hơn cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ cứu chữa kịp thời.

BS. Vũ Ngọc Anh